Bệnh viên Âu Cơ

Bạn biết gì về xét nghiệm double test cho mẹ bầu?

Đăng ngày: 26-06-2019 09:13 am

Xét nghiệm double test là một quy trình bao gồm xét nghiệm máu kết hợp với siêu âm, nhằm xác định thai nhi có mắc dị tật nào hay không ngay từ lúc mẹ bầu mang thai giai đoạn sớm.

Việc phải thực hiện một loạt các xét nghiệm trong thai kỳ có thể khiến bạn bối rối và mệt mỏi. Nguyên nhân là bạn không biết thực chất mục đích của những xét nghiệm ấy là gì, tại sao bạn phải làm xét nghiệm… Thực tế việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ là rất cần thiết để kịp thời phát hiện các bất thường mà thai nhi có thể gặp phải, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Một trong những xét nghiệm mà mẹ bầu nên tiến hành là xét nghiệm double test. Đây là xét nghiệm tầm soát được tiến hành khá sớm ngay trong tam cá nguyệt thứ nhất.

Xét nghiệm double test là gì?

Kiểm tra double test là một loại xét nghiệm máu nhằm mục tiêu xác định bất kỳ sự bất thường nào liên quan đến quá trình phát triển nhiễm sắc thể của thai nhi. Nếu có, chúng có nguy cơ dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, gây ra những chứng rối loạn. Những rối loạn này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự tăng trưởng của thai nhi, thậm chí là kéo dài trong cuộc sống sau này của trẻ.

Bằng cách thực hiện xét nghiệm double test, bác sĩ có thể biết trước về sự hiện diện của một số rối loạn như: hội chứng Down, hội chứng Edward ,  các bệnh liên quan đến tim mạch…

Khi nào mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm double test?

Thông thường, mẹ bầu sẽ phải tiến hành làm xét nghiệm double test nếu có các yếu tố rủi ro sau:

  • Trên 35 tuổi
  • Thụ tinh trong ống nghiệm
  • Gia đình có tiền sử bệnh di truyền
  • Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 và phụ thuộc vào insulin.

Xét nghiệm double test được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất, khi mẹ bầu mang thai được 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày. Thế nên, bạn nên tuân thủ lịch khám thai trong thời gian này để được làm xét nghiệm (nếu bác sĩ thấy cần thiết) và kết quả được chuẩn xác nhé.

Ưu điểm của xét nghiệm double test

Mẹ bầu sẽ nhận được một số lợi ích khi thực hiện xét nghiệm double test như:

  • Phát hiện một số bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể
  • Xác định xem thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down hay không (phát hiện 85 – 90% các trường hợp)
  • Trong trường hợp xét nghiệm đưa ra kết quả dương tính, các thủ tục chẩn đoán hoặc biện pháp tiếp theo có thể được thực hiện để xác định chính xác vấn đề
  • Khi thực hiện kiểm tra double test: Nếu nhận được kết quả dương tính và chẩn đoán thai nhi có vấn đề, bạn có thể chọn đình chỉ thai kỳ mà ít xảy ra biến chứng do đang trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì cho việc kiểm tra double test?

Về cơ bản, double test là một hình thức xét nghiệm máu, nhưng bạn không cần phải chuẩn bị gì trước khi thực hiện. Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ, hãy thông báo cho bác sĩ. Mặt khác, trong những trường hợp hiếm hoi, bạn có thể được khuyên ngừng dùng thuốc cho đến khi hoàn thành quá trình kiểm tra double test. Thêm vào đó, xét nghiệm này không yêu cầu phụ nữ mang thai phải nhịn ăn.

Xét nghiệm double test được tiến hành như thế nào?

Quy trình xét nghiệm double test nói chung khá đơn giản, bao gồm xét nghiệm máu kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy. Khi các mẫu máu được lấy, bác sĩ sẽ quan sát để kiểm tra hai yếu tố chính là hormone và protein. Hormone Beta hCG (Beta Human Chorionic Gonadotrophin) tự do là một hormone glycoprotein do nhau thai sản xuất. Ngoài ra, loại protein có tên là PAPP-A hay protein A huyết tương liên quan đến thai kỳ, một loại protein rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai.

Kết quả kiểm tra được diễn giải như thế nào?

Các kết quả kiểm tra thường rơi vào hai nhóm: nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Những kết quả này không đơn giản đến từ việc xét nghiệm máu mà còn căn cứ vào tuổi của người mẹ, tuổi của thai nhi, đo độ mờ da gáy thai nhi khi được quan sát trong quá trình siêu âm… Tất cả các yếu tố này sẽ phối hợp với nhau trong việc đưa ra kết quả xét nghiệm vì phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ mang thai em bé mắc dị tật cao hơn đáng kể so với phụ nữ trẻ tuổi hơn.

Các kết quả được trình bày dưới dạng tỷ lệ. Tỷ lệ 1:10 đến 1:250 được gọi là nguy cơ cao. Tỷ lệ 1: 1.000 trở lên được xem là nguy cơ thấp.

Các tỷ lệ này sẽ đóng vai trò là kim chỉ nam để bác sĩ hiểu xác suất gặp phải rối loạn của thai nhi. Mỗi tỷ lệ mô tả nguy cơ bé bị rối loạn qua số lần mang thai, cụ thể như sau:

  • Tỷ lệ 1 : 10 có nghĩa là 1 trong số 10 thai nhi có nguy cơ mắc chứng rối loạn, nằm trong danh mục khá cao.
  • Tỷ lệ 1 : 1.000 có nghĩa là chỉ có 1 trẻ trong số 1.000 thai nhi bị rối loạn, nằm trong danh mục không đáng kể.

Tùy mức độ nguy cơ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiến hành làm các xét nghiệm khác để chẩn đoán thêm, ví dụ kết hợp triple test ở tam cá nguyệt thứ hai hay kết hợp cell-free DNA ngay tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết gai nhau, chọc ối.

Kết quả xét nghiệm double test như thế nào là bình thường?

Thật ra xét nghiệm không thể kết luận 100% thai nhi của bạn bình thường hay bất thường mà chỉ giúp đưa ra tỷ lệ nguy cơ mà bé có thể gặp phải. Tỷ lệ nguy cơ càng thấp thì nguy cơ thai dị tật càng thấp khiến mẹ bầu tương đối yên tâm.